Trên thế giới có rất nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay tàng hình là một trong số đó. Loại máy bay này đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tác chiến. Hiện có khá nhiều quốc gia đang sở hữu loại máy bay này. Để hiểu rõ hơn máy bay tàng hình là gì cũng như nguyên lý hoạt động và vị thế chiến lược ra sao hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây!

Máy bay tàng hình là gì?
Máy bay tàng hình hay còn được biết đến với những tên gọi khác như phi cơ tàng hình, không hạm tàng hình. Đây là loại máy bay có thể chống lại sự phát hiện của radar nhờ được trang bị công nghệ tàng hình. Loại máy bay này đã từng được sử dụng trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.

Khi tìm hiểu về loại máy bay này có 3 vấn đề mà bạn cần phải lưu ý:
- Một là, “tàng hình” ở đây không phải là không thể nhìn thấy bằng mắt thường, camera, ống nhòm,… mà dùng để chỉ khả năng ẩn mình, tránh được sự rò tìm từ sóng radar
- Hai là, trên thực tế không có bất kỳ loại máy bay nào có thể hoàn toàn ẩn mình trước radar được, kể cả máy bay tàng hình mà chúng chỉ là giảm mức độ bộc lộ
- Ba là, không có bất kỳ một phương pháp tàng hình nào có thể hiệu quả trước mọi loại radar

Có rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang nghiên cứu để tìm ra các công nghệ có thể giúp phát hiện, đánh chặn hay vô hiệu hóa khả năng tàng hình của loại máy bay này.
Máy bay tàng hình hoạt động như thế nào?
Các loại máy bay tàng hình hiện nay được trang bị công nghệ có thể làm giảm khả năng bị radar phát hiện. Radar có một nhược điểm lớn đó là nó chỉ có thể phát hiện đối phương khi sóng phản xạ cùng phương với sóng tới, tức là sóng phản xạ lại từ đối phương với sóng mà radar phát ra cùng phương. Bên cạnh đó, khi mặt cát tán xạ trên máy bay càng nhỏ thì radar sẽ càng khó để phát hiện ra.

Pyotr Yakovlevich Ufimtsev – nhà khoa học làm việc tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Trung ương (Liên Xô) vào năm 1954 đã tìm ra sự phản xạ của sóng điện từ. Ông đã viết và được đăng báo rất nhiều bài nói về cách sóng vô tuyến phản xạ từ vật thể 2 chiều và 3 chiều ra sao. Trong đó, phát hiện quan trọng nhất của ông đó là không phải kích thước mà hình dạng của vật thể mới là yếu tố quyết định tín hiệu phản xạ sóng vô tuyến. Tức là máy bay tàng hình dù có kích thước bao nhiêu, chỉ cần có hình dáng thích hợp thì đều có thể thoát khỏi màn hình radar.

Ufimtsev lại tiếp tục xây dựng mô hình toán học với mục đích giải quyết những vấn đề về nhiễu xạ tần số cao vào năm 1962. Phương pháp này đã được trình bày trong bài viết “Phương pháp Sóng cạnh trong Lý thuyết Vật lý Nhiễu xạ”. Theo đó, phương pháp này không chỉ cho phép tính toán mô hình nhiễu xạ của sóng radar từ máy bay mà còn có thể giúp thiết kế những hình dạng máy bay có thể không phản xạ sóng radar trở lại nguồn phát. Do đó, máy bay có thể gần như biến mất khỏi sự rò tìm của radar.

Những nghiên cứu của nhà khoa học Ufimtsev sau đó đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau. Và lần đầu tiên máy bay tàng hình xuất hiện đó là vào thập niên 1980. Không chỉ Liên Xô mà ngay cả Mỹ cũng đã ứng dụng nghiên cứu của Ufimtsev để lập trình siêu máy tính với mục đích xây dựng mô hình tín hiệu phản xạ radar cho các loại oanh tạc cơ tàng hình của mình. Ví dụ như B-2 Spirit, F-117 hay tiêm cơ F-22 và F-35.

Vị thế chiến lược của máy bay tàng hình
Có thể khẳng định rằng máy bay tàng hình chiếm giữ vị thế vô cùng quan trọng trong chiến đấu. Chỉ cần một lượng máy bay tàng hình nhỏ cũng đã đủ để thay thế cho một lượng lớn phi cơ bình thường. Trong khi đó, hiệu quả chiến đấu vẫn tương đương, thậm chí có thể còn cao hơn. Ngoài ra, nó còn có thể giúp giảm được ngân sách chi cho quân đội của các quốc gia.

Nhờ có máy bay tàng hình mà việc tấn công vào các điểm mục tiêu quan trọng sẽ thuận lợi hơn. Hơn hết là nó có thể ẩn giấu được hành vi của mình để đối phương không thể xác định được kẻ tấn công là ai, tránh được chiến tranh xảy ra. Đặc biệt, khả năng chiến đấu của loại máy bay này rất mạnh, nó có thể làm tê liệt cả một bộ phận chỉ huy và khiến đối phương rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn do không thể xác định được liệu những đợt không kích khác đã tiến hành chưa và bao giờ tiến hành. Kết quả là thúc đẩy họ phải đi tới con đường ngoại giao.

Việc quốc gia nào đó bắt tay vào việc tự sản xuất và vận hành máy bay tàng hình cũng có thể trở thành động lực để đối thủ của họ cân nhắc tới việc chạy đua vũ trang, tạo ra các mẫu máy bay tương tự hoặc có ưu thế hơn. Mặc dù có thể nâng cao khả năng quân sự nhưng lại làm suy yếu nền kinh tế.

Sự ra đời của máy bay tàng hình có ảnh hưởng rất lớn tới ngành hàng không quân sự. Nhờ có loại máy bay này mà lực lượng không quan có thể nâng cao hiệu quả tác chiến và chiếm được ưu thế hơn so với lực lượng thù địch. Do máy bay tàng hình có thể thoát khỏi sự rò tìm của radar và các thiết bị trinh sát tương tự nên nó có thể thọc sâu vào tấn công đối phương một cách bất ngờ, khiến đối phương không kịp phòng vệ.
Máy bay tàng hình B2 của Mỹ
B2 hay tên gọi đầy đủ là B2 Spirit. Đây là một loại máy bay ném bom tàng hình chiến lược đa nhiệm do tập đoàn Northrop Grumman của Mỹ phát triển. Loại máy bay này được trang bị công nghệ tàng hình và có thể mang theo cả các loại bom thông thường, bom dẫn đường thông minh lẫn bom hạt nhân. Có thể nói, sự ra đời của B2 chính là một cột mốc quan trọng đối với ngành quân sự của Hoa Kỳ.

Máy bay B2 cũng là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất. Chi phí để hoàn thành một chiếc B2 được ước tính vào khoảng 2.13 tỷ USD (thời giá năm 1997). Bên cạnh đó, chi phí vận hành cũng không nhỏ, lên tới 130 nghìn USD/giờ bay (thời giá năm 2020).
Quân đội Mỹ cho rằng B2 của họ sở hữu rất nhiều tính năng vượt trội. Ví dụ như sở hữu sự linh hoạt vốn có của những máy bay ném bom có người lái. Bên cạnh đó, nó có khả năng tàng hình, bị nhận dạng thấp, có thể vượt qua hàng rào bảo vệ tinh vi của đối phương để tấn công vào những mục tiêu đã được bảo vệ kỹ càng.
Ngoài ra, B2 cũng được cho là có ưu thế hơn so với các loại máy bay trước đó vì vừa được ứng dụng kỹ thuật tàng hình, hình dáng khí động học lại vừa có khả năng chất tải lớn. Máy bay tàng hình B2 của Mỹ có tầm hoạt động đạt khoảng 6.000 hải lý (12.000km) mà không cần tái nạp nhiên liệu, khả năng hoạt động độ độ cao lớn tốt hơn, tăng tầm hoạt động và vùng quan sát.
Northrop Grumman còn trang bị cho B2 hệ thống hỗ trợ mục tiêu GPS (GATS), bom hỗ trợ GPS, khả năng sử dụng radar APQ-181 để sửa lỗi GPS. B2 có độ chính xác cao hơn so với những loại vũ khí điều khiển laser. Mặt khác nó còn được lắp đặt cả bom trọng lực “câm”, hệ thống hỗ trợ dẫn đường GPS thông minh và trong mỗi nhiệm vụ có thể ném bom tới 16 mục tiêu.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin về máy bay tàng hình. Có thể thấy, đây là một vũ khí chiến lược và có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với lực lượng hàng không chiến đấu của mỗi quốc gia. Sự xuất hiện của loại máy bay này đã giúp các quốc gia nâng cao sức chiến đấu của mình trên chiến trường.